NGUỒN GỐC NGÀY LỄ TÌNH YÊU VALENTINE – Origin of Valentine’s Day.

Trong tuần này, trên khắp thế giới, các đôi tình nhân sẽ đón ngày được mong đợi nhất trong năm, ngày Valentine (Valentine’s Day). Mặc dù đây là một ngày lễ có lịch sử rất lâu đời và được kỉ niệm ở từ Âu sang Á, thế nhưng có lẽ vẫn còn rất nhiều người vẫn chưa biết vì sao ngày lễ lãng mạn này lại được đặt tên như vậy. Một số khác thì biết rằng Valentine là tên một vị thánh, nhưng lại chưa biết vị thánh ấy là ai và vì sao tên ông lại gắn liền với ngày này. Tất cả những câu hỏi ấy và nhiều điều thú vị hơn nữa, sẽ được giải đáp trong chuyến tàu trở lại ga Every word has its family của English4ALL. All aboard!

https://www.youtube.com/watch?v=CaRgHQjC1WE

Huyền thoại về thánh Valentine

Lịch sử về ngày lễ Valentine và câu chuyện về vị thánh bảo hộ (patron saint) vẫn luôn nằm trong bức màn bí ẩn của huyền sử. Ngay kể từ trước khi có ngày lễ thánh Valentine, tháng Hai vẫn đã luôn được kỉ niệm như là tháng của sự lãng mạn (a month of romance). Vậy thánh Valentine là ai, và vì sao tên ông lại liên quan đến ngày lễ cổ xưa này?

Giáo hội Công giáo (The Catholic Church) ghi nhận rằng có tới 3 vị thánh khác nhau cùng có tên là Valentine hay Valentinus, tất cả các ngài đều là thánh tử vì đạo (martyr). Một trong những huyền thoại kể rằng Valentine là một linh mục (priest) phụng sự Chúa vào thế kỉ thứ 3 ở Rome (Italy). Khi Đại đế Claudius II ra quyết định rằng những người đàn ông độc thân sẽ là những chiến binh giỏi hơn là những người đã có vợ con, gia đình, ông đã nghiêm cấm các thanh niên được kết hôn. Linh mục Valentine nhận thấy tính bất công (injustice) của chiếu chỉ, đã bất chấp lệnh vua, ông vẫn tiếp tục tổ chức lễ hôn phối cho các cặp tình nhân một cách bí mật. Khi sự việc bị bại lộ, hoàng đế Claudius ra lệnh xử ông tội chết.

Một câu chuyện khác lại kể rằng Valentine bị giết vì đã cố cứu các tín đồ Thiên chúa giáo thoát khỏi nhà tù tàn bạo của đế chế La Mã, nơi họ bị tra tấn và đối xử tệ hại. Cũng có huyền thoại nói rằng, Valentine là một tù nhân đã đem lòng yêu một cô gái trẻ là con gái của người quản ngục (jailor), người hay đến thăm anh khi bị giam cầm. Trước khi chết, anh đã viết cho cô một lá thư kí tên là “From your Valentine” (Từ Valentine của em) – đây là một cụm từ mà đến ngày nay người ta vẫn còn sử dụng. Mặc dù sự thật sau những huyền thoại về Valentine vẫn còn chưa sáng tỏ (murky), nhưng tất cả các câu chuyện đều nhấn mạnh về sự đồng cảm (sympathetic) và tính anh hùng (heroic), hơn cả là tinh thần lãng mạn. Vào thời trung đại, có lẽ nhờ có danh tiếng này, Valentine đã trở thành một vị thánh nổi tiếng nhất ở Anh và Pháp.

 

Nguồn gốc ngày Valentine: một ngày lễ tháng Hai của đa thần giáo

Trong khi một số người tin rằng ngày Valentine được kỉ niệm vào giữa tháng Hai để ghi nhớ ngày giỗ của thánh Valentine – vào khoảng 270 sau công nguyên, thì một số khác lại cho rằng giáo hội Công Giáo đã quyết định chọn ngày Valentine vào đúng giữa tháng Hai nhằm “Công giáo hoá” (Christianize) ngày lễ Lupercalia của những người thờ nhiều thần (pagan) được tổ chức vào ngày 15 tháng 2. Đây là một ngày hội mùa màng dành cho thần Faunus, vị thần nông nghiệp của người La Mã, cũng như là những người thuỷ tổ của đế chế La Mã, Romulus và Remus.

Để bắt đầu lễ hội, các thành viên của Luperci, một hàng phẩm của các thầy tu La Mã, sẽ tập hợp ở một hang thánh địa nơi mà Romulus và Remus, những người đã lập ra thành Rome, đã được nuôi dưỡng bởi một con sói mẹ. Các thầy tu sẽ hiến tế một con dê – tượng trưng cho sự sinh sản, và một con chó – tượng trưng cho sự thuần khiết. Người ta sẽ xé da con dê thành sợi, nhúng vào máu thiêng và mang ra phố, chạm nhẹ da dê vào những người phụ nữ và những cánh đồng lúa. Không hề sợ hãi, những người phụ nữ La Mã hân hoan muốn được chạm vào da dê bởi vì họ tin rằng làm thế năm tới họ sẽ sinh thêm được con. Sau đó, theo truyền thống, tất cả các cô gái trẻ trong thành sẽ cho tên họ vào một cái lư hương (urn) lớn. Những anh FA – trai chưa vợ trong thành sẽ lần lượt chọn mỗi người một cái tên trong lư hương và kết đôi với người phụ nữ đó. Và cuối cùng là những cặp đôi này thường sẽ kết hôn với nhau.

Ngày Valentine – Ngày của sự lãng mạn

Lễ hội Lupercalia đã tồn tại đến tận đầu kỷ nguyên Công giáo nhưng sau đó bị coi là bất hợp pháp vì có vẻ “phi Công Giáo” (un-Christian). Vào thế kỉ thứ 5, Giáo Hoàng Gelasius tuyên bố ngày 14/2 là ngày lễ thánh Valentine.. Không lâu sau đó, ngày này trở thành một ngày lễ gắn liền với tình yêu. Vào thời cổ đại, người Anh và Pháp thường tin rằng ngày 14/02 là ngày bắt đầu mùa kết đôi của chim (the beginning of birds’ mating season), điều này làm cho ngày lễ Valentine càng trở nên lãng mạn hơn nữa.

Những tấm thiệp chúc mừng ngày Valentine đã phổ biến từ thời Trung Đại, mặc dùng những tư liệu về Valentine không hề xuất hiện cho tới tận những năm sau 1400. Lời chúc mừng Valentine cổ đại nhất còn tồn tại đến ngày nay là một bài thơ được viết năm 1415 của Charles, Bá tước xứ Orleans, viết cho vợ trong khi ông đang bị cầm tù ở trong Tháp London (Tower of London) sau khi bị bắt giữ ở trận chiến Agincourt. Lời chúc mừng này hiện nằm trong bộ sưu tập bản thảo của Thư Viện Anh Quốc ở London. Vài năm sau, người ta nói rằng vua Henry V cũng thuê một nhà văn tên là John Lydgate viết một lá thư tình cho Catherine xứ Valois.

Bạn có biết?

Mỗi năm có tới 150 triệu Thiệp chúc mừng Valentine được trao tặng mỗi năm, khiến cho ngày Valentine là ngày lễ trao tặng thiệp phổ biến thứ hai sau ngày Giáng Sinh.

Hoàng Huy.

Bản quyền thuộc về English4ALL.vn

Can you brainstorm on your own? Nguồn gốc từ Brainstorm (Origin of Brainstorming)

Trong một giờ học tiếng Anh phụ đạo, chỉ có 1 cô và 1 trò, trò đang vò đầu bứt tai vì chưa làm được bài tập ngữ pháp khó.

Cô nói “You should brainstorm.” (Em hãy động não đi!!!!)

Trò nói “I can’t.” (Em không làm được)

Trong 2 người trên có một người nói đúng và một người nói sai. Theo bạn là ai?????

Tropical Storm thì rất khủng khiếp, Rock Storm thì vô cùng cuồng nhiệt, vậy còn Brainstorm thì sao???

Muốn biết ai là người nói sai trong câu chuyện trên đây, hãy cùng chuyến tàu Thứ hai của English4ALL tới ga Every word has its family tìm hiểu về từ Brainstorm nhé! All aboard.

Tuần vừa rồi tờ báo The Daily Mail của Anh có đăng một câu chuyện rằng Cơ quan Phát triển Xứ Wales (Welsh Development Agency) gửi nhân viên đi một khoá đào tạo (training courses) trong đó họ được dạy rằng không nên sử dụng từ “brainstorm” nhằm tránh làm động chạm và làm tổn thương (upsetting) người bị bệnh thần kinh hay khuyết tật (disability)

Rất ít người trong số chúng ta coi “brainstorm” là một từ mang nghĩa tiêu cực, mặc dù đúng là như vậy. Đó là bởi vì từ “brainstorm” có hai nghĩa rất khác biệt (distinct senses), một nghĩa ra đời ở Anh, và nghĩa còn lại ra đời ở Mỹ.

Nghĩa Anh của từ ra đời trước, được ghi nhận trong một từ điển y khoa năm 1894 của George Gould. Ông đã định nghĩa brainstorm là “một chuỗi những rối loạn đột nhiên và bất thường do rối loạn não” (cerebral disturbance), hay nói cách khác là một sự mất trí tạm thời (a transient fit of insanity). Sau đó đều các nhà văn Anh đều dùng từ này để viết về nhân vật nào đó bất thường về mặt thần kinh.

human brain with lightnings

Ở Mỹ, hầu như không ai biết đến từ này cho tới một phiên toà xử tội giết người (murder trial) vào tháng Ba 1907. Dươí tiêu đề “New York Adds a Term to its Slang vocabulary” (New York đã thêm một từ lóng mới vào vốn từ của mình) tờ Washington Post viết: “Chỉ trừ có một vài sinh viên chuyên ngành y khoa đã từng nghe thấy từ này trước khi bác sĩ Evans với vai trò là nhân chứng nói về nguyên nhân Harry Thaw bắn chết Stanford White để trả thù (take revenge) là một cơn điên bột phát (a brainstorm).

Nhưng cũng chính tại Mỹ, vào những năm cuối những năm 1920s, nghĩa mới- nghĩa hiện nay phổ biến của từ brainstorm đã xuất hiện. Brainstorm lúc này trở thành một thuật ngữ đề cập tới một chuỗi các hoạt động trí não (mental activity) nhằm dẫn tới một ý tưởng mới (a bright idea). Dần dần brainstorm được hiểu như hiện nay: một cuộc thảo luận nhóm tập trung (an intense informal group discussion) hướng tới sáng tạo ra các ý tưởng (generating ideas) và cách thức giải quyết vấn đề (problem solving). Năm 1941, ông Alex Osborn, một chuyên gia quảng cáo (advertising expert), nhận thấy rằng các buổi họp nhóm là tiền đề của việc tạo ra các ý tưởng mới, ông đã đưa ra các nguyên tắc giúp phát triển hoạt động này. Lúc đầu, từ nguyên gốc ông sử dụng để chỉ quá trình này là “think up”.

Trong thế chiến lần thứ Hai, nghĩa mới này của từ Brainstorm đã vượt biển quay trở lại Anh và thành nghĩa phổ biến nhất như ngày nay chúng ta vẫn sử dụng, và ít người còn nhớ đến nghĩa nguyên gốc liên quan tới chứng bệnh thần kinh như ban đầu.

Bây giờ thì bạn đã biết ai trong câu chuyện lúc đầu là người nói sai chưa?

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn

Who loves paparazzi? None. Nguồn gốc từ paparazzi (Origin of Paparazzi)

Người Việt Nam hình như ai cũng biết từ Osin bắt nguồn từ đâu, từ tên một cô bé trong bộ phim truyền hình cùng tên rất nổi tiếng của Nhật Bản phát sóng trên VTV những năm 90s. Từ đó, người ta dùng luôn từ Osin để chỉ về một nghề mới xuất hiện trong xã hội: nghề giúp việc gia đình. Trong tiếng Anh cũng đã từng có trường hợp tương tự như vậy. Từ tên của một nhân vật trong một bộ phim đã tạo ra một danh từ mới chỉ nghề nghiệp, đó là Paparazzi – một từ không quá xa lạ với những ai hay quan tâm đến đời sống của các ngôi sao và những nổi tiếng. Họ là những thợ “chộp ảnh” mà đôi khi là sự phiền nhiễu không hề nhẹ đối với thế giới của những người thuộc về công chúng. Vì sao lại được gọi với cái tên này. Hãy cùng English4ALL khám phá trong chuyến tàu đầu tuần đến gà Every word has its family nhé. All aboard!

Paparazzi

Bộ phim đã làm cho cả thế giới biết đến từ paparazzi đó chính là La Dolce Vita của đạo diễn Federico Fellini vào những năm 1960. Và chỉ trong 1 năm sau đó, từ paparazzi đã được sử dụng rộng rãi với ý nghĩa như ngày nay chúng ta biết.

Chỉ cần nhìn thoáng qua, bạn cũng có thể đoán được đây là một từ gốc Ý (Italian), và nếu như bạn biết một chút tiếng Ý, bạn sẽ biết rằng Paparazzi là dạng số nhiều (plural) của từ Paparazzo (singular)

Trong bộ phim La Dolce VitaPaparazzo là tên của một nhân vật (a character), do diễn viên Walter Santesso đóng vai một nhà nhiếp ảnh (a photographer) chuyên đi theo chụp ảnh trộm (take snaps) các ngôi sao Mỹ (American stars).

Paparazzo là một họ (a surname) khá phổ biến ở Ý, đặc biệt là vùng Calabria, tuy nhiên vẫn có một vài giả thuyết vì sao Fellini lại chọn cái tên này.

Có lẽ Paparazzo được vay mượn từ một cuốn sách về du lịch tên là By the Ionian Sea của George Gissing. Trong sách có tên một người chủ khách sạn (hotel owner) người Ý tên là Coriolano Paparazzo.  Mặt khác, paparazzo, theo phương ngữ Abruzzi (Abruzzi dialect) có nghĩa là “clam” (con sò) ám chỉ (allude) đến sự đóng mở của ống kính máy ảnh (camera lens)

Thêm vào đó, hậu tố (suffix) –azzo cũng mang sắc thái nghĩa tiêu cực (negative connotations) trong tiếng Ý.

Tuy nhiên, chính đạo diễn Fellini đã có lần nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Time rằng “từ paparazzo nó gợi đến âm thanh vo ve của một con muỗi (a buzzing mosquito).

Phải chăng với các ngôi sao, các paparazzi ngày nay cũng gây ra sự khó chịu như những con muỗi???

Hoàng Huy.

Bản quyền thuộc về English4all.vn

 

 

 

 

He is a smart investor who is interested in BLUE CHIP only. – Nguồn gốc từ Blue Chip (Origin of Blue chip)

Hàng ngày, bạn thường xuyên nghe thấy trên báo đài, và các phương tiện truyền thông, đặc biệt trong các bản tin tài chính nói về một loại cổ phiếu gọi là blue chip. Trong tiếng Việt, người ta thường cũng không dịch chữ “blue chip” mà mượn nguyên thuật ngữ này. Phải chăng là loại cổ phiếu này được in màu xanh, hay là đây là cổ phiếu của các hãng hàng không, vì hàng không liên quan đến bầu trời và màu xanh (blue)???? Chắc chắn là không phải vậy rồi. Vậy thực sự blue chip là gì và vì sao nó lại có tên gọi đó? English4ALL sẽ cùng bạn đi tìm nguồn gốc của từ này nhé.

Từ Blue Chip bắt nguồn từ casino trước khi bước lên sàn chứng khoán.
Từ Blue Chip bắt nguồn từ casino trước khi bước lên sàn chứng khoán.

Cổ phiếu blue chip (blue chip stock) hay còn gọi tắt là blue chip thường được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông (media) để chỉ loại cổ phiếu của các công ty lớn, có xu hướng ổn định về khả năng sinh lời (profitability), tính thanh khoản (liquidity) cao bất kể các biến động trong kinh doanh. Đây luôn là món người được săn đó trên thị trường chứng khoán, và tại Mỹ, người ta thường dùng chỉ số Dow Jones để chỉ báo những mã cổ phiếu loại này.

Nhưng tại sao người ta lại gọi là Blue chip mà không phải là Red chip, hay Yellow chip? Hay vì loại cổ phiếu đó in màu xanh.

Muốn biết điều này, chúng ta phải hỏi Oliver Gingold, một trong những nhân viên đầu tiên của toà soạn Thời báo Phố Wall (Wall Street Journal). Ông được coi là (widely credited) người đã sáng tạo ra thuật ngữ này (coin the term) trong những năm 1920s khi ông đang đứng cạnh bên một chiếc máy điện báo giá thị trường cổ phiếu (a stock ticker) tại một hãng môi giới (brokerage firm) mà sau này trở thành tên tuổi hàng đầu trong làng tài chính thế giới Merrill Lynch. Khi đó, Gingold nhận thấy một vài mã cổ phiếu được giao dịch ở mức rất cao $200 – $250/cổ phiếu, ông đã nói với một người bạn đứng gần đó rằng ông sẽ quay trở về toà soạn và viết về những mã cổ phiếu blue-chip này.

Điều đáng nói là vì sao Gingold lại nghĩ ra từ “blue chip” này?

Có lẽ ông sẽ không nghĩ đến từ blue chip này nếu như bản thân ông không phải một tay chơi bài poker (poker player). Trong môn bài poker ở các sòng bạc (casino) khi đó, các loại tiền nhựa (chip) được dùng để đặt cược (bets) có các mệnh giá khác nhau, và người ta dùng màu sắc của những đồng tiền nhựa đó để biết mệnh giá, trong đó màu trắng (white) trị giá $1, màu đỏ (red) trị giá $5, và màu xanh (blue) trị giá cao nhất là $25.

Từ đó đến nay, người ta dùng luôn thuật ngữ blue-chip để nói về những mã cổ phiếu của các công ty có giá trị cao, an toàn và tương đối ổn định trên thị trường chứng khoán. Một số loại cổ phiếu blue chip nổi bật trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay là Wal-Mart, Coca-Cola, Procter & Gamble (P&G) , Exxon Mobil, PepsiCo, McCormick & Company, Unilever, và Johnson & Johnson.

Tuy nhiên, green chip thì lại không bắt nguồn từ các đồng tiền nhựa màu xanh lá cây, mà đơn giản đó chỉ là các mã cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường như năng lượng mặt trời (Solar energy) địa nhiệt (geothermal), nước…….Và red chip thì lại là thuật ngữ chỉ các mã cổ phiếu của các công ty ở đại lục Trung Quốc (mainland China) và do chính quyền các cấp của Trung Quốc kiểm soát và quản lý.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4ALL.vn

New York is in USA while “Old” York is in UK, so where is “Old”Zealand? Nguồn gốc tên gọi New Zealand? (Origin of New Zealand)

Dường như nhiều người đều biết New York là quê hương mới của những người nhập cư có gốc từ thành phố York của nước Anh, New Mexico là phiên bản Mỹ của thành phố Mexico miền Trung Mỹ…….Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi, New Zealand – đất nước xinh đẹp của Châu Đại Dương có phiên bản gốc ở đâu không? Đã có “New”thì chắc chắn sẽ có “Old” Zealand. Và hôm nay English4ALL sẽ cùng các bạn đi tìm “Old” Zealand nhé? All aboard!

Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và hùng vĩ ở New Zealand.
Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và hùng vĩ ở New Zealand.

Nhà thám hiểm phương Tây đầu tiên (first Western explorer) đến với vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là New Zealand là một người Hà Lan (a Dutchman) tên là Abel Tasman. Khi ông đến đó vào những năm 1640, Tasman đã nghĩ rằng mình đang có mặt ở Staten Landt, một hòn đảo ngoài khơi Argentina. Thực ra Tasman đã có một chút nhầm lẫn sau một hải trình rất dài.

Nhưng ngay sau đó, các nhà bản đồ học (cartographers) người Hà Lan, Hendrik Brouwer và Joan Blaeu đã phát hiện ra rằng những hòn đảo lớn này thật ra không phải một phần của Nam Mỹ (South America), và Blaeu đã đặt tên cho vùng đất này là Niew Zeeland theo tên của Zeeland, một tỉnh cực tây (westernmost province) của Hà Lan (Netherlands). Zeeland cũng được tạo thành bởi các hòn đảo, và tên gọi của nó nghĩa là “đất đảo” trong tiếng Hà Lan (Dutch).

Phong cảnh ở "Old" Zealand - thành phố Zeeland ở miền cực tây của Hà Lan.
Phong cảnh ở “Old” Zealand – thành phố Zeeland ở miền cực tây của Hà Lan.

Thuyền trưởng vĩ đại người Anh James Cook đã có ba cuộc hành trình (voyages) tới Niew Zeeland vào những năm 1770. Vốn dĩ mục đích ban đầu của chuyến đi này là đo vẽ đường (chart the path) vùng đảo Venus ở Nam Thái Bình Dương, nhưng thuyền trưởng Cook và thuỷ thủ đoàn (crew) của ông đã bị lạc và cuối cùng dừng chân ở Niew Zeeland, khi đó vẫn khá là hoang sơ và chưa được khai phá (unexplored) bởi thế giới Phương Tây kể từ chuyến đi của Tasman. Chính thuyền trưởng James Cook đã vẽ lại hầu hết đường bờ biển của khu vực, và ông cũng chính là người đã Anh hoá (anglicise) tên gọi cũ thành New Zealand như ngày nay chúng ta thường gọi.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4ALL.vn

Do you get a good salary? Nguồn gốc từ Salary trong tiếng Anh.

Anh ấy là người mà tháng nào bạn cũng mong gặp, còn mình thì tuần nào cũng chỉ đợi cuối tuần để được gặp anh. Anh hiền lành, ít nói, nhưng vô cùng đáng yêu, sẽ giúp bạn thấy yêu đời hơn và thoả mãn mọi nhu cầu cuộc sống. Thèm một món ngon gì đó, anh về sẽ có, thèm mua một món đồ nào đó, để anh lo. Anh là ai? Vâng, đó là anh Lương –là thần tượng, là tình yêu của tất cả những người đi làm. Tiếng Anh, người ta gọi anh là Salary. Bạn mới chỉ biết rằng những giây phút chờ đợi anh, có anh, ở bên anh, và tiêu hết anh thật là ngọt ngào biết mấy, nhưng có lẽ ít ai biết rằng anh có một quá khứ, một nguồn gốc mặn đắng. Hi vọng English4ALL hôm nay có thể giúp bạn tìm hiểu về gia cảnh của anh Salary mà ghi nhớ đến anh, phấn đấu vì anh nhiều hơn trong một tuần mới vừa mới bắt đầu. All aboard!

Thời La Mã, ruộng muối này là cả một kho báu.
Thời La Mã, ruộng muối này là cả một kho báu.

Lương (salary) của bạn bây giờ đang tính bằng gì, bằng Việt Nam Đồng, Dollar, hay bảng Anh??? Dù có tính bằng gì đi chăng nữa, thì lĩnh lương bây giờ cũng gọn nhẹ và tiện dụng hơn rất nhiều so với ngày mà tổ tiên của từ Salary xuất hiện. Bây giờ bạn nhận lương bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản ngân hàng. Còn ngày xưa thì sao nhỉ?

Từ Salary bắt nguồn từ tiếng Latin salarium – tạm dịch là tiền muối (sal – có nghĩa là muối), đây là khoản thù lao trả cho binh lính trong thời kỳ đầu của đế chế La Mã (Roman). Thời đó, muối (salt) là một mặt hàng rất có giá (a valuable commodity) và rất quý. Bạn không tin ah? Bạn có thể mở bất kỳ muốn cuốn từ điển nào ra và tìm thấy câu thành ngữ “You are the salt of the earth” hay “worth your salt”, bạn sẽ hiểu muối thời đó có giá trị cao như thế nào.

Ở Rome thời cổ đại, việc sản xuất và vận chuyển muối là một ngành kinh doanh vô cùng quan trọng. Ai cũng cần đến muối, và đôi khi giá muối còn được tăng lên cao để chi trả cho các cuộc chiến chinh. Những người lính La Mã (Roman soldiers) được trả công để bảo vệ và canh gác việc vận hành, hoặc mở rộng và chinh phục (conquer) các nguồn muối mới. Mỗi ngày mỗi người lính sẽ được nhận một nắm muối (a handful of salt). Pliny the Elder viết trong các cuốn sách sử của ông rằng những chiến binh đó được trả lương trực tiếp bằng muối- salarium.

Thời thế đã thay đổi hoàn toàn, những từ ngữ thì vẫn còn lại. Sau đó, muối vẫn còn là cốt lõi của nền kinh tế trong một thời gian nữa. Nó đã thực sự trở thành một loại tiền tệ (currency) bởi vì mọi giao dịch thương mại đều được diễn ra sử dụng giá trị tương đối tình bằng muối (tương tự như bản vị vàng (gold standard) như ngày nay)

Chúc bạn sẽ ngày càng có nhiều “muối” hơn nhé!!!!

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn

 

 

We gonna do karaoke tonight? Nguồn gốc từ Karaoke

Với tính chất quốc tế và được sử dụng rộng khắp, tiếng Anh tưởng chừng như một “đại gia” hàng đầu trong làng ngôn ngữ thế giới. Tuy nhiên, cũng giống như các đại gia khác, sự giàu có và phong phú của tiếng Anh sẽ không thể có được nếu như không có sự vay mượn và giao lưu với các ngôn ngữ khác. Nếu như người Trung Quốc tìm thấy từ lychee giống quả lệ chi (quả vải), người Ý tìm thấy từ pizza, người Việt gần đây bắt đầu tìm thấy từ pho (phở) – món ăn quê hương trên cả tuyệt vời trong từ điển Oxford, thì người Nhật lại luôn thấy tự hào mỗi khi ai đó nhắc đến từ karaoke – một sáng chế giải trí phổ biến hàng đầu hiện nay trên khắp thế giới. Người Việt luôn rất thích hát karaoke nhưng có lẽ ít người tìm hiểu xem vì sao lại có tên gọi này. English4ALL sẽ cùng bạn tới Nhật Bản để tìm hiểu về từ này trong chuyến tàu đầu tuần nhé. All aboard!

Karaoke – là từ ghép đôi (portmanteau) từ chữ kara, trong tiếng Nhật, nghĩa là trống không (empty), và oke, viết tắt của okesutora (orchestra)- dàn nhạc. Những chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới được một nhạc công (musician) người Nhật tên là Daisuke Inoue tạo ra năm 1971. Thời điểm đó, Inoue sống ở thành phố Kobe và chơi trống (drums) trong một ban nhạc chuyên đệm nhạc cho khách (bar patrons) nếu họ muốn hát. Trên thực tế, Inoue là một nhạc công chơi rất tệ, và chính nhờ sự tồi tệ này của ông mà ngày nay người ta được biết đến công nghệ giải trí karaoke. Ông đã quyết định tạo ra một cái máy có thể chơi nhạc cho ông khi ông không muốn hoặc không thể chơi được những bài nhạc. 11 chiếc máy đầu tiên đã được lắp ráp và cho các cửa hàng ở trong vùng thuê.

Datsuke Inoue - cha đẻ của chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới
Daisuke Inoue – cha đẻ của chiếc máy karaoke đầu tiên trên thế giới

Vào những năm 1980s, karaoke trở nên phổ biến khắp Nhật Bản. Theo tạp chí Forbes, cửa hàng karaoke (karaoke bar) đầu tiên của Mỹ được mở ở Los Angeles năm 1982, và đến năm 2003 thì đã có giải vô địch Karaoke toàn thế giới (Karaoke World Championships) với thí sinh từ 7 nước tham dự, karaoke thực sự đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Tạp chí Time đã bầu chọn cha đẻ của karaoke, Inoue là một trong những “Người Châu Á có ảnh hưởng nhất thế kỷ” (The Most Influential Asians of the Century) vào năm 1999. Tuy nhiên, một thực tế đáng tiếc là Daisuke Inoue đã mất cơ hội trở thành một trong những người giàu nhất Nhật Bản bởi vì ông đã không đăng ký sáng chế (patent) chiếc máy của mình, do đó ông hầu như không kiếm được nhiều tiền từ phát minh của mình. Bốn năm sau khi Inoue tạo ra chiếc máy karaoke đầu tiên, năm 1975, một nhà sáng chế người Philipines (a Filipino inventor) Roberto del Rosario đã phát triển một hệ thống hát theo nhạc (a sing along system) gọi là “Minus-One” và ông này cũng không quên đăng ký bằng sáng chế cho phát minh của mình.

Tuy không kiếm được sự giàu có, nhưng cha đẻ thực sự của karaoke, Inoue lại luôn nhận được vinh quang (glory). Ngoài sự vinh danh của Time năm 1999, ông còn nhận được giải Ig Nobel Hoà Bình (Ig Nobel Peace Prize – một giải thưởng hài hước nhại lại giải Nobel thật, trao cho 10 thành tựu mà “đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ” với mục đích tạo không khí vui vẻ nhằm khuyến khích nghiên cứu). Và theo như lời người dẫn chương trình Marc Abrahams thì phát minh của Inoue là “một cách hoàn toàn mới để con người học cách chịu đựng lẫn nhau” (an entirely new way for people to learn to tolerate each other). Trong phát biểu nhận giải của mình (acceptance speech), Inoue nói rằng “Lúc đó, tôi có một ước mơ dạy mọi người hát, vì vậy tôi tạo ra karaoke. Tôi không nghĩ nó sẽ là điều gì đó to tát. Nhưng bây giờ hơn bao giờ hết, tôi muốn dạy thế giới hát, trong một sự hoà đồng tuyệt vời” và ông nhật được tràng pháo tay dài nhất (ovation) trong lịch sử giải Ig Nobel.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn

Why Does “XOXO” Mean “Kisses and Hugs”? Vì sao XOXO lại là biểu tượng ôm hôn?

Một lần lâu rồi Ad của English4ALL nhận được tin nhắn thế này:

Bạn nữ: Could you come by my house? (Anh qua nhà em nhé?)

Bạn nam: For what? (Làm gì?)

Bạn nữ: XOXO (Chơi cờ caro)

Bạn nam: Ok. (OK)

Nghĩ rằng bạn nữ rủ mình qua nhà chơi cờ caro (XOXO), Ad đã hớn hở mang ngay một sấp vở ôli qua ngay với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, nhưng không thể ngờ rằng, qua đó không hề chơi cờ, mà lại chơi những thứ khác. Thật ra, ngày ấy mình mình đã không hề biết XOXO là biểu tượng của ôm hôn. Và nếu như bạn cũng đang không biết vì sao XOXO lại có ý nghĩa đó thì hãy lên ngay chuyến tàu hôm nay của English4ALL để tìm hiểu nhé! All aboard! XOXO

Hug and Kisses

Có lẽ phải đến 99,99% các bạn trẻ bây giờ – những người thường xuyên sử dụng ký hiệu XOXO nhất nếu được hỏi, vì sao XOXO lại có ý nghĩa là ôm hôn (kisses and hugs), họ sẽ trả lời rằng, chữ X thì giống như hình hai cái “mỏ” của hai người đang chu vào, hôn nhau; và chữ O thì giống như hai cánh tay vòng lại tạo thành cái ôm; cũng giống như cách họ giải thích ).( là cái eo và 🙂 là mặt cười :))

Thực ra hoàn toàn không phải vậy. XOXO tưởng chừng như một thứ ngôn ngữ rất xì tin và hiện đại nhưng lại có nguồn gốc từ hàng ngày năm trước, không những thế lại còn là một biểu tượng thiêng liêng liên quan đến tôn giáo, chứ không phải là một sản phẩm của công nghệ emoticon thế kỉ 21.

XOXO

Ngày xửa ngày xưa, từ thời Trung Cổ (Middle Ages), thời mà có rất nhiều người không biết đọc mà cũng chẳng biết viết. Thời đấy, những người mù chữ ở Việt Nam cũng rất nhiều, họ thường sẽ phải điểm chỉ (in dấu tay vào mực và lăn vào văn bản) với các loại giấy tờ, khế ước quan trọng. Còn người phương Tây, họ chọn một cách khác, họ sẽ ký các loại văn bản quan trọng (important documents) chỉ với một chữ X. Tại sao lại là chữ X, mà không phải là chữ U, chữ G, hay một chữ cái nào khác?

Rất dễ hiểu vì chữ X là biểu tượng của hình chữ thập, thánh giá của người Thiên Chúa Giáo. Người ta gọi đó là “The Chi Rho”thường được biểu hiện bằng chữ X vì trong tiếng Hy Lạp, từ “Christ”(Chúa) được viết là ΧΡΙΣΤΟΣ. Đó lý do vì sao người ta đôi khi lại viết là Merry Xmas trong thiệp chúc mừng Giáng Sinh.

Sau khi ký chữ X vào văn bản, người ký (signee) thường hôn lên chữ X đó để biểu thị (demonstrate) sự chân thành (sincerity) và thề trước Chúa họ cam đoan những điều viết trong văn bản là đúng và họ sẽ tôn trọng điều đó; cũng giống như nghi thức người Thiên Chúa Giáo hôn lên Kinh Thánh (the Bible) để thể hiện đứctin của họ vào Chúa.

The Chi Rho - là một biểu tượng thiêng liêng của Thiên Chúa Giáo
The Chi Rho – là một biểu tượng thiêng liêng của Thiên Chúa Giáo

Còn về nguồn gốc của O – vì sao lại tượng trưng cho cái ôm (hug) thì có vẻ khó hơn. Nhưng nhiều người tin rằng, ý nghĩa của ký tự này bắt nguồn từ những người Do Thái di cư sang Mỹ (Jewish immigrants). Họ có biết chữ, nhưng khi ký tên vẫn đặt biểu tượng O vào, tương tự như cách người Thiên Chúa Giáo sử dụng chữ X. Sở dĩ họ không sử dụng chữ X, bởi vì ý niệm Chúa (Christ) mà chữ X biểu tượng không phù hợp với tín ngưỡng Do Thái (Jewish beliefs)

Dần dần, hai cách sử dụng chữ X và chữ O này kết hợp với nhau tạo thành biểu tượng ôm hôn- thể hiện sự chân thành trong các bài viết, thư từ, và thậm chí cả emails, tin nhắn.

Hoàng Huy.

Bản quyền thuộc về English4all.vn

I don’t like watching nuclear test, but I love watching bikini show!!!! Nguồn gốc từ Bikini.

Khi nhiều người được hỏi: Điều gì là biểu tượng cho sức mạnh lớn nhất hiện hữu trên trái đất? Những kẻ khù khờ vội trả lời ngay: Bom nguyên tử, còn những người từng trải thì chậm rãi khẳng định: Phụ nữ. Thật vậy, người ta vẫn thường hài hước gọi phụ nữ là “phái yếu”; nhưng thực tế lại ngược lại, phụ nữ là “phái mạnh nhất”. Những kẻ được coi là “phái mạnh” có thể chế tạo ra phi thuyền, ra bomb nguyên tử và đủ thứ gớm ghiếc khác, thế nhưng lại muôn đời không bao giờ có thể tự chế tạo ra chính mình, thế nhưng phụ nữ “phái mạnh nhất” lại có thể làm được việc đó một cách đơn giản. Không chỉ là mạnh mẽ nhất, họ còn là biểu tượng quyến rũ nhất mà loài người từng biết tới. Người ta mất hàng nhiều triệu đô la để nghiên cứu, chế tạo, và thử nghiệm bomb hạt nhân, nhưng chẳng ai thích xem cái thứ đáng sợ đấy cả, thế nhưng một người phụ nữ đẹp chỉ cần một bộ bikini nhỏ bé đã đủ làm cho 2/3 thế giới phải ngắm nhìn và ngưỡng mộ. Nhưng vì sao thứ vũ khí quyến rũ ấy lại được gọi là Bikini. Đó là điều chuyến tàu English4ALL hôm nay sẽ giải đáp cho các bạn thay cho lời chúc mừng Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10. All aboard.

Vì sao gọi là Bikini?

Hình ảnh vụ thử bomb H của Mỹ tại vòng cung đảo Bikini Thái Bình Dương năm 1946
Hình ảnh vụ thử bomb H của Mỹ tại vòng cung đảo Bikini Thái Bình Dương năm 1946

Gần 60 năm trước, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm bom H (a hydrogen bomb) tại đảo Namu, trong đảo vòng san hô Bikini (Bikini Atoll)- Thái Bình Dương (Pacific Ocean). Trái bom với sức nổ 15 triệu tấn (megaton) nổ ở độ cao 15.000 feet (4572m) đã tạo ra một quả cầu lửa rộng 4 dặm (miles) – (hơn 6,4km), toả sáng gấp mặt trời 500 lần. Thế nhưng đó vẫn chưa phải là thứ vũ khí khủng khiếp nhất sẽ được thử nghiệm trên các bãi biển của thế giới. Chỉ một tuần sau vụ thử bomb của Mỹ, ngày 5 tháng 7 năm 1946, nhà thiết kế thời trang người Pháp Louis Réard- đồng thời là một kỹ sư ôtô đang điều hành cửa hàng bán đồ thời trang nữ (lingerie shop) của mẹ mình ở Paris, đã tung ra một mẫu áo tắm hai mảnh (two-piece swimsuit) tại Piscine Molitor, một bể bơi nổi tiếng ở Paris. Hot girl Paris thời bấy giờ, Micheline Bernardini là người đầu tiên trình diễn thời trang mới này. Không phải dễ dàng để tác giả tìm được người mẫu sẽ trình diễn bộ trang phục có thể gây tai tiếng (scandalous) này, do đó Louis đã lựa chọn Bernardini, lúc đó đang là gái nhảy thoát y (exotic dancer) có tiếng Casino de Paris, một người dường như không ngại phô diễn thân thể giữa chốn đông người. Để lường trước phản ứng của báo chí đối với đứa con tinh thần của mình, Louis còn cho in các headlines – các tiêu đề báo lên mẫu bikini đầu tiên. Và bikini đã thực sự đưa cô nàng người mẫu Micheline Bernardini lên hàng sao, cô đã nhận được 50,000 lá thư của người hâm mộ (fan letters) chủ yếu là đàn ông.

Đây chính là bộ Bikini đầu tiên trên thế giới ra mắt tại Paris năm 1946
Đây chính là bộ Bikini đầu tiên trên thế giới ra mắt tại Paris năm 1946
Đây chính là bộ Bikini đầu tiên trên thế giới ra mắt tại Paris năm 1946
Đây chính là bộ Bikini đầu tiên trên thế giới ra mắt tại Paris năm 1946

Tác giả của mẫu thiết kế này đã gọi tác phẩm của mình là Bikini – lấy nguồn cảm hứng từ vụ thử bomb chấn động trước đó của Mỹ.Ông nghĩ rằng bất kỳ ai cũng sẽ bị shock bởi những đường cong táo bạo của người phụ nữ sẽ được thể hiện qua mẫu trang phục mới lạ và phá cách này. Và ông đã đúng. Trong suốt nhiều năm, bikini đã gây ra nhiều sự ngạc nhiên hơn bất cứ vụ thử hạt nhân nào của Mỹ và Liên Xô cộng lại. Người ta hay nói đùa rằng, bikini đã đánh bại nguyên tử (Atom), bởi vì mẫu thiết kế này được giới thiệu ngay sau một mẫu áo tắm một mảnh khác tên là Atome.

Ở Mỹ, một mẫu áo tắm hai mảnh khiêm tốn đã xuất hiên trong những năm thế chiến lần thứ hai. Tuy nhiên ở Châu Âu, các vùng bờ biển đều là nơi diễn ra chiến trận dữ dội của phe Đồng Minh, cho nên sự phát triển của áo tắm gần như dậm chân tại chỗ.

Năm 1946, lần đầu tiên người dân Tây Âu (Western European) được tận hưởng một mùa hè không có chiến tranh ( a war-free summer), các nhà thiết kế thời trang tung ra đủ thứ mode mới để hoà cùng với tâm thế hứng khởi của nhân dân. Trong đó, cuộc chạy đua của hai nhà thiết kế người Pháp Jacques Heim và Louis Reard là nổi bật nhất. Heim chính là tác giả của mẫu áo tắm Atome được quảng cáo là “mẫu áo tắm nhỏ nhất thế giới” (the world’s smallest bathing suit.) trong khi Reard lại quảng cáo cho bikini của mình là “nhỏ hơn cả nhỏ nhất” (“smaller than the world’s smallest bathing suit.”)

Tuy nhiên, đó chỉ là lần đầu tiên từ bikini xuất hiện trong từ điển chứ không phải lần đầu tiên áo tắm hai mảnh xuất hiện trong lịch sử loài người.

Bikini
Bikini đến ngày nay vẫn là một thứ vũ khí nguy hiểm nhất trên các bãi biển của thế giới.

Nguồn gốc thực sự của Bikini

Thực tế là các nhà thiết kế thời trang phải chỉ là người đã khám phá lại, tìm lại (rediscovering) các mẫu áo tắm này. Thực tế, mẫu áo tắm hai mảnh (two piece bathing suit) đã có từ thế kỉ thứ 3 sau công nguyên (third century AD).

Miếng khảm (mosaic) dưới đây được tìm thấy ở Villa Romana del Casale, đảo Sicily, Italia là bằng chứng rõ ràng cho điều này. Hàng ngàn mảnh ngói màu có in hình những phụ nữ mặc áo tắm hai mảnh đang chơi đùa trên bãi biển.

Hoá ra không phải đến thế kỉ 20 nữ giới mới mặc Bikini!!!!!
Hoá ra không phải đến thế kỉ 20 nữ giới mới mặc Bikini!!!!!

Và không phải là duy nhất, ở Pompeii, các nhà khảo cổ học (archeologists) còn khám phá ra một vài bức tượng (statues) của thần Vệ Nữ (Venus) mặc áo tắm hai mảnh (bikini). Thế mới biết, dưới ánh mặt trời, không có gì là mới.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn 

Turkey: A country or a bird? Gà lôi có trước, hay nước Thổ Nhỹ Kỳ có trước – Nguồn gốc từ TURKEY.

Gà lôi (turkey) vốn là món ăn truyền thống không thể thiếu với mỗi gia đình phương Tây trong bữa ăn đêm Giáng Sinh; cũng giống như bánh chưng trong mâm cỗ Tết của người Việt. Thế nhưng, Turkey còn là tên gọi của cả một quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ……Vậy, có phải vì gà lôi được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ nên nó được gọi tên như vậy không? Gà lôi có trước hay Thổ Nhĩ Kỳ có trước? Đó là câu hỏi mà hôm nay chuyến tàu English4ALL tớ ga Every word has its family sẽ cùng bạn đi tìm kiếm câu trả lời. All aboard!

­³¸±
Món gà lôi quay này (Roasted turkey) có trước?
Turkey
……hay đất nước Thổ Nhỹ Kỳ (Turkey) có trước?????

Thổ Nhỹ Kỳ ngày nay, trung tâm sầm uất một thời của đế chế Ottoman (the Ottoman Empire) thật ra chẳng liên quan gì đến loài gà lôi (turkey) cả. Gà lôi là đặc trưng bản địa của vùng đất Bắc Mỹ (North America) Tuy nhiên, chắc hẳn phải có lý do gì đấy mà một quốc gia và một loại gà lại có cùng tên gọi như vậy????

Từ turkey nguyên gốc được dùng để chỉ vùng đất do người Thổ chiếm giữ (land occupied by the Turks) từ những năm thế kỉ 13, và thậm chí còn được ghi trong cuốn sách The book of the Duchess của Chaucer. Từ Turk – không ai biết có nguồn gốc từ đâu, nhưng rất nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Italy, tiếng Arập (Arabic) và tiếng Ba Tư (Persian) đều dùng từ đó để chỉ những người đến từ vùng đất này.Vùng đất này trong vòng một khoảng thời gian dài của lịch sử từ 1300 cho tới 1922 đều là một phần của đế chế Ottoman. Sau thế chiến lần thứ nhất và cộng hoà Thổ Nhỹ Kỳ ra đời, cái tên đó cũng dần biến mất vào lịch sử.

Turkey 4
Đây là giống gà Guinea, rất giống gà lôi (turkey) nhưng lại có nguồn gốc từ vùng Đông Phi

Chúng ta cũng cần phải biết tới một loại gà khác, đó là gà Guinea (the guinea fowl). Loài ga này có những nét tương đồng, khá giống với loại gà lôi (turkey) mơi tìm thấy ở châu Mỹ . Tuy nhiên loại gà Guinea này lại bắt nguồn từ miền Đông Châu Phi (Eastern Africa) nhưng lại được nhập khẩu thông qua đế chế Ottoman Empire nên người ta cứ hay gọi là Gà Thổ (turkey-cock/turkey-hen). Khi những người định cư ở Tân Thế giới (New World) gửi loại gà lôi Mỹ (trông bề ngoài rất giống gà Guinea) về lại châu Âu, và chúng thường hay bị gọi nhầm thành turkeys như ngày nay.

Quá trình tiếp nhận loaị gà lôi này rất nhanh chóng. Năm 1575, người Anh trở nên đặc biệt thích thưởng thức món gà Bắc Mỹ này trong bữa ăn tối ngày Giáng sinh (Christmas dinner), đến mức Shakespeare đã viết về điều này trong vở kịch Henry VI.

Từ đó turkey được sử dụng với ý nghĩa như ngày nay.

Thế mới biết, trong tiếng Anh có những từ mới được tạo ra đôi khi chỉ vì một sự nhầm lần lâu ngày.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4all.vn