I got IELTS 6.5 and a perfect grammar. Why do native speakers laugh when I speak English? Dành cho du học sinh: Quên IELTS ngay và Đi ngay ra phố!

Mỗi năm hàng ngàn sinh viên Việt Nam mang theo ước mơ, hoài bão ra nước ngoài du học, và việc du học ở các quốc gia nói tiếng Anh luôn là một sự lựa chọn rất phổ biến của đông đảo các du học sinh. Tuy nhiên, bao nhiêu điểm IELTS hay TOEFL sẽ giúp bạn hoàn toàn tự tin để có thể sống, học tập và hoà nhập với cuộc sống bản xứ??? Có người sẽ trả lời, trên 6.5 IELTS, một số người khác yêu cầu cao hơn, sẽ nói 7.0, hay 8.0. Nhưng rồi một ngày lang thang bên trời Tây, bạn ngạc nhiên nhận ra rằng có vẻ những người bản xứ có vẻ đang nói chuyện nhau bằng một thứ tiếng hoàn toàn khác, mà rõ ràng đó là tiếng Anh. Phải chăng tiếng Anh của bạn chưa chuẩn? Phải chăng kết quả của các kỳ thi IELTS hay TOEFL kia không chính xác??? Thực ra, IELTS hay TOEFL bao nhiêu điểm cũng chỉ giống như bạn đã có được một tấm vé máy bay, không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ có một chuyến bay vui vẻ và dễ chịu. Vậy điều gì đã làm bạn thiếu tự tin khi mang tiếng Anh ra phố, trong khi ở trên lớp, và mọi bài tập bạn đều hoàn thành tốt, thuyết trình trôi chảy???? Để trả lời cho thắc mắc đó, English4ALL xin trân trọng giới thiệu một bài viết rất hay và thú vị của nghiên cứu sinh Dương Anh Chiến đến từ Khoa Giáo dục, Trường Đại học Newcastle, Callaghan, New South Wales, Australia. All aboard!

DIALECT

Từ điển Lạc Việt dịch là “phương ngữ”, nhưng còn thiếu lớp nghĩa “social group” – ngôn ngữ đặc trưng của một nhóm người cụ thể trong xã hội, mình tạm gọi là “đặc ngữ”.

Trong 2 nhóm “đặc ngữ” phổ biến, du học sinh thường chú trọng vào “ngôn ngữ học đường” (academic language) hơn là “ngôn ngữ ngoài đường” (socio-pragmatic language). Chính vì chú trọng vào “ngôn ngữ học đường” nên khả năng viết ĐÚNG tiếng Anh của du học sinh thậm chí còn tốt hơn người bản xứ, nhưng khả năng viết GIỐNG tiếng Anh, diễn đạt bằng văn nói một cách trôi chảy và tự nhiên thì lại rất hạn chế (khả năng dùng ngôn ngữ “ngoài đường” – socio pragmatic). Nguyên nhân chủ yếu là do các bạn du học sinh quá đề cao ĐIỂM SỐ cho các bài thi ngoại ngữ (đa phần chú trọng academic), mà không thật sự chú trọng phát triển khả năng SỬ DỤNG ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày (socio-pragmatic). Cần hiểu rõ rằng, điểm số chỉ là thang đo hiểu biết về kiến thức đó, nhưng ứng dụng kiến thức vào thực tế như thế nào lại đòi hỏi nhiều kỹ năng khác. Tốt nghiệp bằng đỏ Ngoại thương chưa phải đã trở thành Doanh nhân thành đạt!

Một ví dụ đơn giản về sự khác biệt và phổ biến của 2 nhóm đặc ngữ này khi nói về cùng một tình huống là “Chào bạn, hôm nay bạn mặc chiếc áo rất đẹp, bạn mua ở của hàng nào vậy?” (học đường); và “Ê, mày mặc quả áo này trông ngon phết nhờ! Mua ở đâu á?” (ngoài đường). Rõ ràng là đặc ngữ “học đường” thường khô cứng, không tự nhiên và ít phổ biến hơn “ngoài đường”.

Bản chất của việc học ngoại ngữ là học thêm một ngôn ngữ khi đã biết một ngôn ngữ khác trước nó. Vậy nên quá trình dạy, học ngoại ngữ cũng cần phải được tiến hành theo tiến trình tự nhiên của việc học ngôn ngữ mẹ đẻ – đi từ “ngoài đường” rồi mới vào “học đường”. Ấy vậy mà chúng ta đang làm ngược lại là đầu tư quá nhiều vào các bài thi “học đường” – academic, để rồi khi du học các nước, nói chuyện với người bạn xứ, họ cười ngặt nghẽo, bảo “Tao hiểu mày định nói gì ku ạ, nhưng bọn tao không nói kiểu buồn cười như mày!”.

Nếu mục đích đi du học chỉ là ĐẾN TRƯỜNG, nghe giảng, làm bài tập, nộp bài, chờ kết quả, và nhảy cẫng lên khi được ĐIỂM CAO thì chỉ cần luyện vài cuốn tiếng Anh “học đường” là đủ. Nhưng nếu muốn học để SỬ DỤNG ngôn ngữ đó, thì hãy lao ra đường!

“Học đường” chỉ là môi trường chật hẹp, còn “ngoài đường” mới là cuộc sống thật sự!

Anh Chien Duong
PhD Student
———————————————
Falcuty of Education & Arts
School of Education
The University of Newcastle
Callaghan NSW 2308 Australia

*. Bài viết đăng trên English4ALL theo sự đồng ý của tác giả.

Anki: An effective tool to memorize new vocabulary Giới thiệu Anki – Công cụ cực kỳ hiệu quả để nhớ mọi từ mới tiếng Anh.

Bạn đã bao giờ học một từ mới tiếng Anh để rồi vài phút sau quên mất luôn???….Đừng bực tức, đừng thất vọng, bởi vì đó là chuyện thường ngày của rất nhiều người học tiếng Anh, nói cách khác, có rất nhiều người cũng gặp phải vấn đề đó giống như bạn? Tuy nhiên, bạn hãy đừng giống họ nữa, hãy chọn cho mình một cách học và một công cụ học từ mới hiệu quả hơn xem. Nhanh gọn, hiệu quả, dễ sử dụng, và 100% Free là điều mà hầu hết người Việt mong muốn ở một công cụ học tập lý tưởng. Và nếu đó là thứ bạn đang mong đợi thì English4ALL hôm nay sẽ mang tới thứ mà bạn muốn: ANKI – vũ khí vô cùng lợi hại để đánh bại mọi thách thức ghi nhớ từ vựng tiếng Anh. Sẵn sàng chưa? All aboard!

Anki logo

ANKI LÀ GÌ????

ANKI là một chương trình thẻ học từ (flashcard) tương tác, một công cụ vô cùng lợi hại chạy trên hầu hết các hệ điều hành máy tính và smartphones.

Ngày xưa, người ta thường làm các thẻ học từ flashcards bằng các mẩu giấy hay mẩu bìa để làm công cụ học tập, đây là cách học mang đặc trưng kiểu Mỹ. Viết nghĩa tiếng Anh trên một mặt, và mặt kia viết nghĩa tiếng Việt và những chú thích cần thiết.

Thế nhưng, ANKI tốt hơn cả những thẻ học từ thông thường đó nữa. Vì sao vậy?

Anki

Vì sao ANKI lợi hại?

ANKI là một chương trình giúp bạn ghi nhớ mọi thứ dễ dàng hơn. Nó hiệu quả hơn hẳn các cách học khác, vì vậy bạn có thể giảm thiểu thời gian học tập và gia tăng khối lượng những điều học được. ANKI làm cho việc học từ của bạn dễ dàng, vui, và đầy cảm hứng hơn bao giờ hết.

ANKI cho phép bạn ôn tập ở mọi nơi, nó phù hợp với mọi hệ điều hành, trực tuyến, và chạy trên tất cả smartphone (iPhone và Android) cũng như máy tính bảng. Bạn có thể đồng bộ dữ liệu (synchronise) và ngay lập tức bạn sẽ học được bộ thẻ từ (deck) trên tất cả các thiết bị điện tử của bạn.

Một tính năng tuyệt vời khác đó là bạn có thể chia sẻ các bộ thẻ từ (deck) của bạn tạo ra trên Anki. Bạn có thể đóng góp cho các bạn học tiếng Anh để cùng tiến bộ, và cũng đồng nghĩa là bạn có thể download vô số những bộ thẻ từ đã được những người dùng khác chia sẻ trên Ankiweb – kho dữ liệu trực tuyến của Anki.

Khi bạn sử dụng ANKI, sẽ thể hiện rõ mức độ hiểu và thành thạo của bạn đối với từng thẻ từ. Nếu như một từ hay cụm từ đã trở nên quá dễ với bạn, chương trình này sẽ tự động bỏ qua, không kiểm tra bạn từ đó trong vòng vài ngày, và ngược lại, nếu từ đó với bạn vẫn còn là khó, ANKI sẽ hỏi đi hỏi lại bạn vài lần trong trong vòng vài phút. Bằng cách này, bạn buộc phải lặp đi lặp lại một từ cho tới khi nó đã thực sự in sâu trong trí nhớ của bạn.

ANKI cũng cho phép bạn đính kèm ảnh, và file audio vào từng thẻ từ, những yếu tố này cực kỳ quan trọng để giúp bạn ghi nhớ những từ khó. Bạn cũng có thể tự ghi âm lại chính giọng nói của mình phát âm một từ hay cụm từ, điều này lại giúp bạn cải thiện phát âm.

Hướng dẫn sử dụng ANKI

Anki 2

Khi bạn lần đầu tiên mở ANKI, bạn sẽ chỉ nhìn thấy dạng mặc định (default) của bộ thẻ học từ. Click vào Creat Deck, sau khi đã đặt tên, click Add.

Điều vào mặt trước từ hay cụm từ mà bạn cảm thấy khó học, và mặt sau dành để ghi định nghĩa hay những chú thích riêng của bạn.

Để bắt đầu, bạn nên tạo ra ít nhất 20 thẻ (card) như thế bạn đã có bộ thẻ đầu tiên.

Sau khi hoàn thành, click chọn Study Now để bắt đầu luyện tập.

Bạn sẽ thấy từ bằng tiếng Anh và bạn cần phải nói hay đoán nghĩa của từ đó và sau đó chọn Show Answer để xem đáp án. Nếu bạn đã đoán sai, chọn Again, nếu đã đoán suýt đúng, chọn Good, bạn cũng sẽ nhìn thấy nút Easy. Bạn sẽ hoàn thành một bộ thẻ (deck) khi tất cả các từ đã trở nên Easy với bạn.

ANKI chỉ cho phép bạn tạo ra 20 thẻ (card) một ngày, trừ khi bạn thay đổi Setting. Đây là con số lý tưởng bởi vì nếu bạn cố học qua nhiều thì chưa chắc đã nhớ được hết, học từ 20 từ mới trở xuống mỗi ngày sẽ giúp bạn sẽ tốt hơn. Và sau vài ngày, bạn sẽ ôn những từ cũ chung với những từ mới, tuy nhiên nếu bạn sử dụng ANKI hàng ngày, mỗi ngày bạn sẽ chỉ có vài từ mới.

Nếu bạn muốn thay đổi bất kỳ thuộc tính nào của ANKI, hãy chọn Options sau khi hoàn thành bộ thẻ từ.

ANKI cũng có sẵn cơ sở dữ liệu với hàng ngàn những bộ thẻ từ đã được làm sẵn bởi những người sử dụng khác giống như bạn, bạn có thể tuỳ ý download về để học nếu như bạn không muốn tự tạo bộ thẻ từ riêng cho mình.

Trên màn hình chính của ANKI, hãy chọn Get Shared, bạn sẽ được dẫn tới website của ANKI. Bạn sẽ thấy rất nhiều ngôn ngữ và chủ đề mà bạn có thể chọn để học. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến tiếng Anh.

Anki 3

Có ít nhất khoảng 1000 bộ thẻ từ bạn có thể download. Trong hộp tìm kiếm, hãy gõ thứ mà bạn cần. Ví dụ “Vietnamese” sẽ cho kết quả là những bộ thẻ từ song ngữ Anh Việt, hay beginner, advanced, TOEFL…… Có rất nhiều lựa chọn mà bạn có thể tìm thấy, có rất nhiều bộ thẻ từ còn có sẵn hình ảnh và âm thanh.

Để đồng bộ dữ liệu với tài khoản Ankiweb của bạn, hãy chọn Tools –> Maintenance –> Full Sync. Bạn cần phải lập lại thao tác này trên tất cả các thiết bị (devices) của bạn như máy tính, smartphone, và máy tính bảng.

Anki 4

Sử dụng âm thanh là một cách rất tuyệt để cải thiện phát âm và nghe hiểu của bạn. Nếu bạn đã có sẵn những file audio phát âm, bạn có thể đính kèm vào thẻ từ của bạn, hoặc bạn có thể ghi âm những gợi ý của chính bạn bằng tiếng Anh, miễn là giúp bạn nhớ ra đó là từ nào.

Tương tự bạn có thể đính kèm những hình ảnh giống như âm thanh. Hình ảnh sẽ giúp in sâu ấn tượng về từ hơn là một vài dòng chữ dịch nghĩa.

Vài gợi ý để sử dụng hiệu quả ANKI

Bạn đã biết về ANKI rồi, và làm thế nào để tận dụng tối đa các tính năng của ANKI hãy thử những gợi ý sau đây nhé.

– Mặc dùng đã có vô số những bộ thẻ từ được làm sẵn và bạn có thể dễ dàng download, tuy nhiên, bạn cũng nên tự tạo ra những bộ thẻ từ cho riêng mình. Mỗi lần bạn nghe hay đọc được một từ/cụm từ mới ví dụ như trên VOA, BBC, English4ALL….hãy viết xuống và nhập ngay nó vào trong thẻ từ của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ hình thành nên những vốn từ vựng riêng và nghe nói cứ như Tây xịn mỗi ngày.

– Download những bộ thẻ từ có sẵn âm thanh, và ghi âm lại chính giọng nói của bạn. Khi nhìn vào thẻ học từ, hãy click More và chọn Record Own Voice (hoặc nhấn Shift + V). Bằng cách này, bạn có thể so sánh phát âm bản ngữ và phát âm của bạn.

– Đừng dịch. Nếu tiếng Anh của bạn đã ở một trình độ nhất định, thì đừng có dịch nghĩa của từ, sử dụng hình ảnh hay một gợi ý nào đó bằng tiếng Anh để giúp bạn nhớ từ. Hoặc bạn làm có thể làm theo cách ngược lại, chèn ảnh vào mặt trước, và viết từ kèm định nghĩa vào mặt sau, như thế giống như chơi Game Đoán từ hơn là học, nhưng lại vô cùng hiệu quả và nhẹ nhàng.

 

Tất cả những gì cần biết về công cụ học từ cực Cool này bạn đã biết, tuy nhiên ANKI có thực sự hiệu quả và lợi hại hay không, tuỳ thuộc vào cách bạn sử dụng nó. Nếu bạn chỉ download nó về máy và không sử dụng, thì không ai giúp bạn học tốt tiếng Anh được cả. ANKI giống như một chú cún dễ thương, bạn đã đón nó về thì hãy chơi với nó hàng ngày, bằng cách đấy bạn sẽ có một người bạn đồng hành rất đáng tin cậy và hữu hiệu trên con đường chinh phục mọi thách thức về từ vựng tiếng Anh. Hãy sử dụng ANKI mọi lúc mọi nơi có thể, và bạn sẽ thấy ANKI tuyệt với như thế nào! Chúc bạn học tốt cùng ANKI và English4ALL.

Hãy download ANKI ngay và luôn để cùng học nào! Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ![author image=”http://www.english4all.vn/wp-content/uploads/2014/04/English4All4.png” ]English is easy, isn’t it? Inspring and motivating you to learn English better are our mission.[/author]

Download ANKI tại đây.

Download

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về English4ALL.vn

Why Learn English Through Songs and Music? 7 lý do vì sao bạn nên học tiếng Anh qua âm nhạc và những bài hát.

Bạn yêu âm nhạc, mê Celine Dion, mê The Beatles, thậm chí mê Lady Gaga..?

Bạn thích tiếng Anh mà và ham mê khám phá và học hỏi ngôn ngữ toàn cầu vô cùng hấp dẫn này? 

Bạn quá bận rộn mỗi ngày để có thể có thời gian dành cho việc học tiếng Anh đều đặn hàng ngày?

Tại sao bạn chưa thử học tiếng Anh qua những bài hát, không những giúp bạn dễ dàng nhớ được những từ mới, nâng cao phát âm, mà còn được vô số những điều thú vị khác nữa. Đó là một trong những cách học tiếng Anh mà hàng triệu người trên thế giới đã và đang áp dụng, nhưng điều gì khiến những bài hát tiếng Anh trở thành những công cụ học tập vô cùng hiệu quả? English4ALL đã đi tìm và xin giới thiệu tới các bạn 7 lý do vì sao bạn nên học tiếng Anh qua các bài hát, có thêm niềm tin và có thêm động lực, chắc chắn bạn sẽ học tốt hơn, phải không? All aboard!

  1. Âm nhạc thực sự hiệu quả. Có bằng chứng khoa học cho thấy rằng âm nhạc có thể giúp người học ngoại ngữ tiếp thu ngữ pháp, từ vựng, và cải thiện phát âm. Đó gọi là hiệu ứng Mozart (Mozart Effect), khái niệm cho rằng nghe nhạc giúp tăng cường hiệu quả của các tác vụ thần kinh trong đó có việc học.
  2. Ngôn ngữ thường ngày. Các bài hát và nhạc thường chứa rất nhiều những từ vựng, cụm từ và biểu ngữ hữu ích. Bởi vì đối tượng thính giả được hướng tới là người bản xứ, nên những bài hát luôn bao gồm những ngôn ngữ được cập nhật và thường ngày nữa. Ngôn ngữ được sử dụng trong các bài hát là bình dân và thực tế được sử dụng trong đời sống, nếu như bạn chúng đúng thể loại nhạc.
  3. Làm quen với âm thanh của tiếng Anh. Nghe các bài hát sẽ giúp bạn tập trung vào phát âm và hiểu nhịp, âm và giọng của tiếng Anh.
  4. Làm cho tiếng Anh đọng lại trong trí óc của bạn. Nhiều từ và nền âm thanh trong một bài hát lặp đi lặp lại và điều này giúp cho chúng dễ dàng đọng lại trong tâm trí của bạn. Có lẽ bạn đã biết điều này. Âm nhạc có một khả năng kỳ lạ về độ bám dính. Những giai điệu và lời bài hát thường xâm nhập vào những ý nghĩa của chúng ta và chơi đi chơi lại trong đầu. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn học được tiếng Anh qua những bài hát bởi vì bạn rất dễ nhớ từ và cụm từ. Thực tế là sau một khoảng thời gian ngắn, bạn rất khó có thể quên được chúng.
  5. Các bài hát mang tính cảm xúc, tình cảm. Mối quan hệ của chúng ta với âm nhạc rất sâu, và vô cùng bổ ích. Nó giống như một chiếc chìa khóa mở tất cả cả xúc, gây ảnh hưởng đến tâm trạng và nâng cao năng lực thần kinh và thể trạng của chúng ta. Khi một điều gì đó mang tính cảm xúc, chắc chắn là nó luôn dễ nhớ hơn.
  6. Âm nhạc là một thói quen dễ xác lập. Một lý do người ta thấy khó khi học một ngoại ngữ đó là họ không thêm một phút mỗi ngày để dành cho việc học. Nhưng khi bạn học tiếng Anh qua các bài hát, bạn không cần phải dành quá nhiều thời gian bởi vì bạn có thể đem âm nhạc theo mình bất cứ bạn đi đâu. Bạn có thể nghe những bài hát tiếng Anh tron ô tô, trong bếp và trong phòng tắm. Và khi chọn được đúng loại nhạc hay bài hát mà mình thích rồi, bạn có thể nghe đi nghe lại mà không thấy chán.
  7. Âm nhạc dạy bạn về văn hoá Anh. Âm nhạc cho bạn một cái nhìn tận cảnh vào nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh và cách tư duy và xúc cảm của người dân những nước nói tiếng Anh. Sự thân thuộc với những bài hát nổi tiếng và các nghệ sinh cho bạn thêm một vốn để nói chuyện khi giao tiếp với các bạn bè nói tiếng Anh.

    Hoàng Huy
    Bản quyền thuộc về English4all.vn

 

Radio Log 6: Học tiếng Anh một mình có được không và nên học như thế nào?


[dropcap]C[/dropcap]hào các bạn, một tuần nữa lại qua đi và mình rất vui được gặp lại các bạn trong Weekend Gossip để chúng ta cùng chia sẻ những kinh nghiệm và những câu chuyện xung quanh việc học và dạy tiếng Anh.

Có một bạn nhắn tin cho English4ALL và hỏi rằng: Em không có điều kiện để theo học tại các trung tâm tiếng Anh vì nhà em ở xa trung tâm thành phố, em chỉ có thể học một mình ở nhà qua mạng Internet, vậy English4ALL có phương pháp nào giúp em có thể học để đạt được hiệu quả cao nhất không?

Mình thấy đây là một câu hỏi khá hấp dẫn và tin rằng đây cũng là thắc mắc không chỉ của một người vậy nên mình sẽ xin trả lời câu hỏi trên đây trong Weekend Gossip tuần này.

Như các bạn đều đã biết, học tiếng Anh rất chú trọng việc giao tiếp, luyện tập thông qua giao tiếp, mà giao tiếp thì chắc chắn là phải có hai người trở lên, và rất lý tưởng nếu như người kia là một người nói tiếng Anh bản xứ có thể giúp bạn sửa những lỗi sai…..

Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng và cơ hội để học tập trong một môi trường thuận lợi như vậy. Kể cả dù bạn có học tiếng Anh ở trung tâm có giáo viên nước ngoài thì cũng chỉ là vài tiếng một tuần, trong khi để thành công với tiếng Anh thì phần lớn thời gian bạn vẫn phải học một mình, hay nói cách khác là tự học là chính. Vậy thì làm thế nào?

Nếu các bạn mình hỏi mình một câu chung chung kiểu như “Làm thế nào để học giỏi được tiếng Anh?” thì mình xin chịu, vì khái niệm giỏi thì là vô cùng, có nhiều cấp độ, và mỗi người cá tính mỗi khác, không ai giống ai, nhưng ít nhất hôm nay mình cũng xin giới thiệu với các bạn một phong cách tự học mà mình hay áp dụng và thấy ít nhiều có hiệu quả với chính bản thân mình trong nhiều năm qua, còn có GIỎI được hay không thì còn tuỳ thuộc vào chính bạn.

Với phương pháp này, lợi thế là bạn sẽ không tốn nhiều tiền, thay vì đóng học phí, bạn sẽ dành tiền đó để quyên góp cho tập đoàn điện lực EVN, ủng hộ các nhà cung cấp mạng Internet và thách thức tập đoàn  Petrolimex vì bạn sẽ không cần phải xách xe đi đâu cả mà có thể học ở ngay trong chính ngôi nhà của mình miễn là bạn có một chiếc máy tính có kết nối mạng. Lợi thế kế tiếp là chắc chắn bạn không lo bị học lệch một kỹ năng nào vì tât cả các kỹ năng bạn cần có trong giao tiếp: nghe-nói-đọc- viết đều sẽ được luyện tập. Mình tạm gọi tên phương pháp này là Teach yourself.

 

Bước 1: Đọc về chủ đề nào đó – chuẩn bị từ vựng. (30 phút)

Tìm một bài viết trên Google về chủ đề nào đó trong ngày mà mình quan tâm hoặc thích thú. Ví dụ, hôm qua mình quan tâm đến topic Đi học đại học có cần thiết hay không, chỉ cần Google với những keywords như “University is necessary” bạn sẽ có rất nhiều những bài đọc hữu ích, hãy chọn đọc kỹ một hay hai bài mà bạn đọc lướt qua cảm thấy thích. Kinh nghiệm của mình là nên chọn một bài báo hoặc một bài luận mẫu để đọc. Đừng có quá quan tâm đến ý kiến hay luận điểm của tác giả, họ nói đúng hay không đúng với suy nghĩ của bạn thì cũng mặc kệ họ, đừng bận tâm, cái bạn cần nhất ở bước này đó là từ vựng. Hãy nhanh chóng tìm ra những từ vựng mà chủ điểm này bắt buộc cần phải có, hãy chọn lấy 10-20 từ cần thiết, vẽ một mindmap- một bản đồ tư duy từ chính những bài này. Học phát âm thật chuẩn và cách dùng của những từ mới, và ngay cả những từ mà bạn cảm thấy chưa nắm vững bằng các từ điển điện tử của Cambridge hãy Oxford.

Sau khi đọc xong, hãy dành 3-5 phút yên lặng để nhẩm lại những gì mà bạn vừa học được. Tuyệt đối đừng bao giờ tự biến mình thành con vẹt khi học theo kiểu, học từ TABLE nhìn chằm chằm vào tờ giấy hay quyển sổ có viết cái từ đó rồi miệng lẩm bẩm Table Table Table. Hay Table là cái bàn, table là cái bàn. ………..Hãy đọc to cái từ đó lên bằng tiếng Anh nhưng trong đầu bạn hãy nghĩ đến hình ảnh một cái bàn bạn hay ăn cơm ở nhà, rồi đặt câu “We are sitting around the table.” Đọc to câu đó lên rồi nghĩ đến cảnh bố mẹ, anh chị và cả nhà bạn đang ngồi ăn cơm xung quanh cái bàn đó hay một hình ảnh nào đó tương tự như vậy nhưng có liên quan đến cái bàn. Như thế sẽ dễ chịu và dễ nhớ hơn là ngồi cầm tờ giấy và lẩm bẩm. Ghi nhớ nhé, luôn học một từ mới bằng cách đặt câu và gắn từ đó với một hình ảnh, hoặc ấn tượng riêng của bạn. Và một ngày các bạn sẽ thấy cảm thấy tự ngạc nhiên với vốn từ và khả năng ghi nhớ từ của chính mình.

 

Bước 2: Nghe một bài nghe về chủ đề vừa mới đọc

Sau khi đọc xong về chủ đề đó, hãy lang thang sang Youtube và lại nhập keyword mà bạn đã chọn. Ví dụ nhé, khi nhập vào từ khoá Univeristy is necessary vào Youtube bạn có thể dễ dàng tìm thấy vô số chương trình về chủ đề này. Ví dụ, mình đã tìm thấy chương trình phỏng vấn University is an option. Rất hay và bổ ích:

Một lần nữa hãy nghe vài lần nhưng đừng có căng thẳng tập trung vào việc cố hiểu 100% họ đang nói gì, quan trọng là hãy nghe xem những từ keywords của chủ đề khi được nói trong một bài nó như thế nào, cách dùng từ của họ ra sao, và hãy chú ý đến ngữ điệu, cách lên xuống giọng của người nói. Điều đó là phần quan trọng nhất ở bước này.

 

Bước 3: Speak Out Loud – Nói to lên!!!

Hãy lấy cái mindmap với các từ khoá mà bạn đã lập ở bước một ra, lần lượt đặt câu với từng từ trong đó, thậm chí cố gắng đặt càng nhiều câu khác nhau với cùng một từ, và hãy nói to câu đấy lên. Và cuối cùng, hãy dùng những từ đó, câu đó cho bài nói của bạn.

Mình có môt mẹo vặt để mặc dù học một mình vẫn biết là cách phát âm của mình có chuẩn hay không đó là tận dụng tính năng Voice Search của Youtube và Google hay của từ điển Meriam Webster trên các thiết bị di động, mình thường sẽ nghe và đọc một từ mới liên tục cho đến khi nào từ điển có thể nhận dạng được chính xác từ đó qua giọng nói mới thôi. Thử đi, thú vị lắm.

Nếu có thể bạn hãy đứng tập nói trước gương hoặc webcam trong một không gian riêng như phòng riêng của bạn hoặc thậm chí trong nhà vệ sinh, bởi vì bằng cách đó bạn sẽ luyện được kỹ năng nói tiếng Anh, vừa rèn luyện sự tự tin để có thể nói trước công chúng, vừa có thể quan sát được những cử chỉ, nét mặt của mình (facial expressions) ……..tất cả những yếu tố đó nếu như bạn được rèn luyện tốt, đều sẽ trở thành những vũ khí vô cùng lợi hại trong giao tiếp. Nếu bạn thường xuyên học nói theo cách này, một ngày nào đó bạn bước vào phần thi nói IELTS bạn sẽ thấy tất cả chỉ là chuyện nhỏ. Trong tiếng Anh, sợ nhất không phải là nói sai mà điều đáng sợ nhất là không nói gì.

Bạn hãy thử thu âm lại những gì bạn nói và nghe lại nhé, và nếu không ngại hãy chia sẻ nó với bạn bè hoặc một ai đó biết tiếng Anh như thầy cô giáo của bạn chẳng hạn.

 

Bước 4: Hãy viết lại

Cuối cùng, trước khi kết thúc giờ tự học, bạn hãy cố gắng dùng chính những từ, những ý, những cấu trúc mới học được để viết lại thành một đoạn văn, ngắn cũng được, nhưng chắc chắn là của bạn. Bởi lẽ một con cá chỉ có thể tươi ngon sau khi vừa đánh bắt, và một từ mới sẽ chỉ thực sự hiệu quả nếu được tái sử dụng ngay khi bạn “bắt” nó về.  Lúc này, thì bạn đã có thể bộc lộ ý kiến, luận điểm riêng của mình. Hãy lập một hệ thống các công cụ hỗ trợ viết ví dụ như dán một bảng liệt kê các từ nối (connectors) ngay trước bàn của bạn. Lần đầu tiên nói diễn tả ý tuy nhiên bằng từ “However” thì không sao, nhưng đừng để cho một đoạn văn của bạn có đến 4-5 cái However, đừng ghẻ lạnh, và hắt hủi những từ khác có nghĩa tương đương, hãy sử dụng chúng thật linh hoạt. Hãy viết một mạch, đọc lại một lần, sau đó cất đi, để hôm sau bỏ ra tự chữa hoặc nhờ người khác chữa, chắc chắn là bạn sẽ dễ phát hiện ra những lỗi sai hơn là chữa lại ngay sau khi viết xong.

Nói tóm lại, với cách học này, chỉ trong 2 tiếng cho một ngày, các kỹ năng ngôn ngữ của bạn đều được nâng cấp và bảo dưỡng toàn diện và sẵn sàng để sử dụng trong giao tiếp thực tế. Sẽ vẫn là lý tưởng hơn, nếu bạn có thêm một người đồng hành, một người bạn cùng học theo phương pháp này, tuy nhiên, nếu bạn chỉ có một mình, nó vẫn ít nhiều phát huy tác dụng tuỳ thuộc vào nỗ lực và sự kiên trì của bạn.

Cuối cùng, đừng quên kết thúc giờ học của bạn bằng một bản nhạc tiếng Anh mà bạn yêu thích nhé.

Xin chào và hẹn gặp lại các bạn vào tuần sau!

Annie Nguyễn.

Bản quyền thuộc về English For ALL

www.english4all.vn

 

Radio Log 5: Các chiến thuật học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

Chào các bạn, học từ vựng luôn luôn là một thách thức to lớn đối với bất kỳ ai muốn học một ngôn ngữ mới, và hôm nay English4ALL sẽ cùng chia sẻ với các bạn về những chiến thuật học từ vựng tiếng Anh hiệu quả.

Như đã nói ở radio log tuần trước, từ vựng và kỹ năng sử dụng từ là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong học tập một ngoại ngữ. Nhiều khi có thể bạn phát âm rất chuẩn, nói rất trôi chảy nhưng vì vốn từ yếu cũng làm cho bạn trở nên kém tự tin khi sử dụng tiếng Anh. Các bạn có biết vì sao người ta lại gọi là vốn từ không? Mọi từ ngữ đều có ngụ ý riêng. Gọi là Vốn từ bởi vì từ vựng là một loại vốn, có điều loại vốn này không thể huy động, vay mượn được mà chỉ có thể có được thông qua quá trình tự tích luỹ dài lâu. Và mình tin rằng, rất nhiều người Việt học tiếng Anh gặp vấn đề rắc rối trong tích luỹ vốn từ. Tích luỹ thế nào để trong thời gian ngắn nhất có thể nắm vững và sử dụng thành thạo một số lượng lớn từ trong tiếng Anh là một câu hỏi cực kỳ quan trọng mà một người muốn học tiếng Anh hiệu quả cần phải trả lời được.

Trước khi nói về các chiến thuật cụ thể để học từ, chúng ta cần phải biết:

Thế nào là học một từ?

Rất nhiều người học tiếng Anh ở Vietnam đơn giản chi nghĩ rằng học một từ là biết cách đọc, cách viết, và biết nghĩa của từ là đủ. Tuy nhiên, mặc dù đó là cần thiết, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, một từ luôn chứa đựng nhiều hơn thế. Nắm được cái vỏ âm thanh hay nghĩa của một từ làm cho ta có cảm giác từ đó đã thuộc về mình, nhưng không phải, đó chỉ là một cảm giác chớp nhoáng, sẽ nhanh chóng qua đi. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, để thực sự làm chủ được một từ và bắt nó phục vụ tốt cho nhu cầu giao tiếp và làm việc, chúng ta cần phải nắm được tối thiểu những yếu tố sau đây khi học một từ mới tiếng Anh: Vỏ âm thanh (cách phát âm- đặc biệt là trọng âm)- Ngữ nghĩa (ý nghĩa của từ) – Mối liên hệ của từ với các từ khác – Cách sử dụng từ trong những ngữ cảnh khác nhau. Chúng ta không thể chọn cách học phát âm và nghĩa trước, sau đó khi trình độ cao hơn sẽ quay lại học các yếu tố khác nhau, như vậy rất mất thời gian và kém hiệu quả, vì vậy, ngay từ đầu nếu có thể, chúng ta nên học đồng thời các yếu tố nói trên ngay từ khi bắt đầu.

Các chiến thuât học từ

 

Chiến thuật 1: Xây dựng sổ học từ

Đây là cách học từ truyền thống nhất nhưng vẫn phát huy hiệu quả cao nếu như bạn biết sử dụng đúng cách. Có một cuốn sổ học từ nhỏ nhỏ có thể bỏ túi để ghi chép lại những từ mới bạn bắt gặp hàng ngày, để rồi sau đó bắt cứ khi nào rảnh rỗi bạn bỏ ra nhẩm lại và cố gắng ứng dụng là một chiến thuật tuy cổ xưa nhưng vô cùng lợi hại. Bởi lẽ chỉ có bạn mới là người biết cách ghi chép như thế nào để chính bạn cảm thấy dễ hiểu nhất. Hơn nữa, việc đọc đi đọc lại cuốn sổ nhỏ bé đó thường xuyên làm bạn giao tiếp thường xuyên hơn với từ mới học, do đó sẽ ghi nhớ nhanh hơn và tốt hơn. Tuy nhiên, ghi chép những gì và ghi chép thế nào trong cuốn sổ đó là một điều rất quan trọng. Mỗi người một cách ghi chép tuy nhiên theo mình thì dù bạn ghi chép kiểu gì thì thông tin về một từ ngoài ngữ nghĩa, còn phải đảm bảo có: từ loại (n-v-adj???), cách phát âm chuẩn (luôn phải có trọng âm), có ví dụ (luôn đặt một từ trong một cụm từ hay một câu cụ thể), có dấu hiệu ấn tượng riêng để ghi nhớ (có thể là một hình hoạ tự vẽ hay một thông tin riêng tư mà chỉ mình bạn biết), ở trình độ cao cấp hơn, bạn còn nên chú thích là từ mới đó tương đương hay trái nghĩa với một từ nào đó mà bạn đã biết, và một số từ khác hay đi kèm với từ đó. Hãy cất cuốn sổ đó trong túi và luôn mang theo bên mình, hãy mở ra và nhẩm đọc thành tiếng mỗi ngày, luyện tập đặt câu với những từ đã học…..bằng cách này sẽ không lo không làm chủ được từ vựng tiếng Anh.

 

Chiến thuật 2: Nuôi lợn từ vựng

Saving Pig

Chiến thuật này mình chưa từng nghe nói có ai sử dụng ngoài mình, và mình cho rằng đây là một chiến thuật học từ khá lạ và kì cục mà chắc chỉ có mình ứng dụng để tích luỹ từ mới tiếng Anh. Đó là mình có nuôi một con lợn đất, cuối mỗi ngày, mình sẽ chép từng từ đã học được trong ngày từ sổ tay từ vựng ra những mẩu giấy nhỏ, sau đó bỏ vào lợn. Sau đó 6 tháng hay 1 năm, lợn sẽ được đập ra để kiểm tra: mỗi một từ trong các mẩu giấy nếu như trong 5-10s mình có thể phát âm chính xác, nói được nghĩa, và đặt được câu ví dụ với từ đó tức là từ đó được tính đã thuộc về mình. Bằng cách này, bạn sẽ biết được chính xác trong một năm bạn đã học và ghi nhớ để sử dụng bao nhiêu từ. Đồng thời bạn sẽ được khích lệ bởi cảm giác như nuôi lợn tiết kiệm và được thu hoạch thành quả. Chỉ cần mỗi ngày bạn cho lợn ăn 5-10 mẩu giấy nhỏ như thế, thì chỉ cần nuôi vài “con lợn”, bạn sẽ có một vốn từ đủ tự tin trong giao tiếp.

Chiến thuật 3: Học quPost ita post-it/sticker

Cách học này đơn giản và hiệu quả nhưng hạn chế là bạn chỉ học được ở nhà hoặc ở chỗ làm của mình. Hãy liệt kê mỗi 5-10 từ mới mỗi ngày lên một ghi chú nhỏ và dán nó lên trước bàn làm việc của bạn hay bất kỳ chỗ nào mà bạn thường xuyên lui tới trong ngày: có thể là ở trên tấm gương trong nhà vệ sinh, trên cửa tủ lạnh. Tiếp xúc thường xuyên và liên tục với từ cần học là nguyên tắc nhất quán trong mọi chiến thuật học từ. Cuối ngày, hãy thu những sticky notes đó lại và để vào một chỗ và thay bằng những tấm mới, để cuối tuần hay cách vài ba ngày kiểm tra lại bạn đã nắm vững được bao nhiêu %  trong số những từ đã học.

 

Chiến thuật 4: Học nguồn gốc từ

Chiến thuật này là một cách học cao cấp dành cho người đã có trình độ tiếng Anh nhất định. Chiến thuật này là điều chuyên mục về câu chuyện của từ tháng 2 hàng tuần trên English4ALL đang thực hiện. Nắm bắt được nguồn gốc của một từ giúp các bạn hiểu rõ, hiểu sâu từ đó hơn bao giờ hết. Đây là một cách học khá thú vị vì bạn sẽ được học các từ qua những câu chuyện kể sinh động, từ đó ghi nhớ lâu hơn và sâu hơn.

 

Chiến thuật 5: Học gốc từ và collocation

Mỗi một từ bao giờ cũng xuất phát từ một gốc từ nào đó, ví dụ như từ publishing chắc chắn có liên quan đến động từ publish và danh từ publisher……Và nếu tìm hiểu sâu thêm nữa, bạn sẽ nhận ra những quy tắc nho nhỏ kiểu như, những động từ mà tận cùng bằng ish sẽ luôn có dạng danh từ tận cùng là –ment. Tin không?

Thật đấy, thử nhé: punish – punishment, accompanish- accompanishment, refurbish- refurbishment.

Tương tự như vậy việc học collocation – các từ thường đi kèm cũng rất quan trọng. Collocation thường không có quy tắc chung và thường bạn sẽ phải nhớ. Ví dụ người ta thường chỉ nói a handsome man chứ không ai nói a handsome woman cả, vậy tính từ handsome sẽ là một dạng collocation của danh từ man.

Nếu bỏ công học collocation dần dần bạn có thể nói và viết được những câu dài hơn và chuẩn mực hơn, điều này đặc biệt quan trọng nếu như các bạn đang chuẩn bị cho những kỳ thi tiếng Anh quốc tế như IELTS hoặc TOEFL.Collocation Example 1 Collocation example 2

flashcard

Chiến thuật 6: Học qua thẻ từ và Flash Card

Học từ mới qua thẻ từ và dạng hiện đại hơn của thẻ từ là Flash Card trên các thiết bị kỹ thuật số như smartphone và tablet là cách học cực kỳ hiệu quả mà người Anh bản xứ hay sử dụng để dạy từ mới cho con cái họ khi còn nhỏ hoặc học tập một ngôn ngữ mới. Đơn giản là bạn cần chuẩn bị một tập thẻ cứng, kiểu như quân bài, một mặt viết từ cần học, mặt bên kia viết nghĩa, cách phát âm và các chú thích khác, cũng có khi là một hình vẽ. Khi học, chúng ta sẽ lướt qua thật nhanh các tấm thẻ, đọc to từ đó lên và nói nghĩa của từ và đặt ngay một câu với từ đó; hoặc cũng có thể làm ngược lại, đó là dựa vào nghĩa và các ghi chú phía sau để đoán xem từ đó là từ nào. Cách học này vừa rèn luyện phản xạ từ vừa nhớ lâu.

Với flash card – dạng thẻ học từ ứng dụng công nghệ thì tính năng còn mạnh mẽ hơn, bởi vì trên flash card có sẵn các bộ sưu tập từ đi kèm với phát âm, ví dụ và hình minh hoạ. Nếu các bạn đang sử dụng các thiết bị iOS như iPhone – iPad các bạn có thể download miễn phí ứng dụng My wordbook của British Council – Hội đồng Anh để trải nghiệm cách học vô cùng hấp dẫn này. Với thẻ học từ hay flash card, các bạn có thể tự kiểm tra, hoặc nhờ bạn học kiểm tra chéo lẫn nhau. Đôi khi chiến thuật này giúp các bạn có cảm giác như chơi một trò chơi thú vị hơn là một giờ học.

Chiến thuật 7: Học theo chủ điểm – Sử dụng Word Map.

Việc hệ thống hoá lại các từ thuộc cùng một chủ điểm sẽ giúp các bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian khi huy động từ vựng để viết một bài luận hay chuẩn bị một bài hùng biện. Và cách mình hay sử dụng, đó là vẽ cách Word Map hay Mind Map như trong hình vẽ dưới đây. Các bạn cũng có thể tham khảo cách tạo ra một Mind Map như thế nào ở hình phía dưới.

 Mind map

How to creat a mind map

Các chiến thuật học từ thì có nhiều nhưng trong Ralog này mình chỉ xin chia sẻ 7 chiến thuật mà mình đã sử dụng và thấy rằng hiệu quả và phù hợp với số đông người học. Các bạn có thể áp dụng một hay nhiều chiến thuật cùng một lúc để đạt được hiệu quả, nhưng dù theo đuổi bất kỳ một chiến thuật học từ nào, bạn phải luôn ghi nhớ hai nguyên tắc tiên quyết đó là: tính kiên trì và tính hệ thống.

Vì sao cần phải kiên trì, bởi vì tích luỹ từ vựng đòi hỏi một quá trình dài lâu, liên tục và không ngưng nghỉ, bạn không thể tích luỹ vài ngàn hay vài chục ngàn từ chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, từ vựng cũng giống như cá ở dưới biển, học một từ mới cũng giống như bạn bắt cá và thả trong trí nhớ của mình, chỉ có một cách duy nhất để giữ cho những “chú cá” đó luôn luôn tươi sống đó là sử dụng, sử dụng, và sử dụng. Vì đã là “cá” thì phải bơi, bơi mạnh mẽ trong môi trường giao tiếp, vậy mới là cá, còn cá mà nằm yên một chỗ, e rằng chỉ còn là cá rán.

Vì sao cần phải học có hệ thống, bởi vì từ vựng không phải là một đơn vị riêng lẻ và rời rạc, chúng có sự liên hệ và gắn bó mật thiết với nhau. Từ vựng cũng giống như tính cách con người, bạn chỉ có thể hiểu rõ một tính cách khi đặt trong những mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội. Do đó, hãy chú trọng việc học một nhóm từ, cụm từ hơn là học riêng rẽ từng từ.

Từ ngữ cũng có đời sống của nó. Khi bạn nói ra một từ, nghe thấy một từ, đọc và viết được một từ tức là nó đang sống, đang vui chơi chạy nhảy trong giao tiếp. Khi bạn nhớ được một từ, nhưng ít sử dụng, tức là nó đang ngủ. Và quan trọng nhất, nếu bạn để những từ bạn biết “ngủ” quá lâu, nó sẽ không còn thuộc về bạn nữa. Khi mình dạy học, có một câu chuyện vui như thế này, mình nói “Nếu các bạn gọi tên một thứ gì đó 10 lần mỗi ngày, thứ đó sẽ thuộc về bạn mãi mãi.”, và ngay lập tức ở dưới có một cô học sinh lẩm bẩm “Long-Long-Long- Long……”, hoá ra là bạn trai của cô bé tên là Long. Qua đó, mới thấy rằng, tích luỹ từ là một việc tuy khó khăn nhưng lại là phần hấp dẫn nhất trong học một ngôn ngữ mới và luôn tràn đầy những thách thức thú vị. Chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ và sẽ áp dụng tốt những chiến thuật học từ mà mình chia sẻ dưới đây để vốn từ của các bạn sẽ ngày một giàu có hơn.

Hoàng Huy

Bản quyền thuộc về www.english4all.vn